Xác định âm chuẩn trong đào tạo Violon
Hơn 60 năm qua, nghệ thuật Violon chuyên nghiệp Việt Nam đã được xây dựng và phát triển trên cả ba lĩnh vực: Đào tạo, biểu diễn, sáng tác. Tuy vậy, một thực tế đang tồn tại là có không ít các học sinh, sinh viên chơi Violon hoặc một số nghệ sỹ Violon của chúng ta tham dự các cuộc thi quốc tế đều gặp khó khăn trong việc khắc phục các lỗi về âm chuẩn (chưa chuẩn âm).
Đối với người nghệ sỹ Violon chuyên nghiệp, ngay từ những bài học chập chững đầu tiên trên cây đàn này, thì vấn đề âm chuẩn là điều kiện cần thiết đầu tiên để thể hiện tác phẩm âm nhạc. Violon là nhạc cụ không gắn phím cố định như nhiều nhạc cụ khác nên không giúp người học có thể dễ dàng xác định vị trí cao độ của âm thanh, tìm được âm chuẩn. Việc xác định sự chuẩn âm của mỗi âm thanh phát ra trên cây đàn Violon thông qua sự “chuẩn hoá” bằng chính “đôi tai” của người nghệ sỹ. Đó không chỉ là một khó khăn mà còn là một quá trình đòi hỏi sự rèn luyện công phu, bền bỉ suốt đời đối với bất cứ người nghệ sỹ Violon nào.
Chính sự khác biệt về khả năng tạo ra những biên độ dung sai rất lớn trong một bậc âm với sự chính xác tới 1/4 cung, thậm chí 1/8 cung hay lớn hơn nữa, đã tạo nên khả năng truyền cảm tinh tế mà không một nhạc cụ nào có được. Nhưng cũng chính khả năng ấy cũng lại đặt lên vai người nghệ sỹ Violon những khó khăn bội phần trong quá trình học tập và rèn luyện âm chuẩn.
Thực tế cho thấy, ngay từ những bài tập cơ bản đầu tiên đối với cây đàn Violon thì thế tay, các ngón bấm cùng các động tác kéo vĩ đã luôn “động” bởi yếu tố mang tính hai mặt của cây đàn. Chỉ tạm xem xét với hệ thống gam, gam rải của Gregorian, chúng ta đã thấy sự phức tạp với những nốt thăng (#) nốt giáng (b),… với những động tác chuyển thế, chuyển dây vô cùng khó khăn và liên tục. Đến các tiểu phẩm, tác phẩm thì mức độ khó khăn càng được thể hiện rõ bởi tay trái luôn biến đổi từ các ngón bấm, thế bấm cộng với kỹ thuật rung cùng lúc là tay phải luôn phải thay đổi để điều khiển hướng lên, xuống của cây vĩ cùng với các kỹ thuật kéo liền âm, ngắt âm, hợp âm và to, nhỏ, chuyển dây,… Vì thế, việc phát triển tri giác cao nhất của các cử động tinh tế nhất cùng với sự nhận biết trong hàng loạt các bài tập theo từng cấp độ hợp lý sẽ giúp cho người học có được những khái niệm về cách thức điều khiển cây đàn Violon và cách giải quyết để có được một nền tảng cơ bản nhất cho người nghệ sỹ.
Như đã trình bày, thang âm – điệu thức được xem là xương sống, là cái khung sườn cơ bản tạo nên tác phẩm âm nhạc. Như vậy, thang âm – điệu thức, hiểu theo cách thể hiện một tác phẩm âm nhạc, dù ngắn hay dài, dù có cấu trúc tác phẩm từ đơn giản nhất như câu nhạc – đoạn nhạc cho đến các hình thức kinh điển,… thì trên lĩnh vực cao độ, mỗi thanh âm phát ra theo các quy ước ký tự trên bản phổ, chính đó là âm chuẩn, hay chính xác hơn đó là những yêu cầu, những tiêu chí đầu tiên về âm chuẩn.
Với những ưu thế của riêng mình, cây đàn Violon có khả năng thể hiện cả ba yêu cầu sau về âm chuẩn:
+ Chuẩn cố định: là những cao độ đã được bình quân như trên các đàn phím: Piano, Accordion, Organ…
+ Chuẩn biến đổi theo âm hưởng hoà thanh:
Đây là sự biến đổi hết sức tinh tế, tạo nên các đặc điểm vô cùng phong phú cả đối với âm thanh lẫn âm sắc mà mỗi tác phẩm âm nhạc đặt ra. Những đặc điểm này được mỗi trường phái hay phong cách âm nhạc biểu hiện và được xem như là bản sắc riêng của mình. Đây chính là ưu thế dường như tuyệt đối mà cây đàn Violon có được nhờ vào khả năng tạo ra những độ dung sai lớn trong mỗi một bậc âm đã đề cập trên đây. Chính khả năng ấy đã tác động mạnh mẽ vào thính giác của khán giả mà chúng ta thường gặp trong phong cách biểu diễn của Jaques Thibaud, Yehudi Menuhin cũng như trong các tác phẩm của Debussy, Ravel, Bartok và âm nhạc hiện đại sau này. Ví dụ: Đô# khác với Rêb.
+ Chuẩn di động:
Đây là đặc điểm thường gặp khi thể hiện những tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng hoặc khai thác từ thang âm, điệu thức âm nhạc dân gian, dân tộc mang tính truyền thống. Tuỳ theo các âm điệu cụ thể mà cái “hơi”, cái “hồn” nhạc ấy đặt ra và việc xử lý cao độ nhờ ngón bấm tinh tế trên cây đàn Violon đạt tới một độ cao cần thiết đã tạo nên cái âm hưởng đặc trưng mà độ chuẩn xác của âm thanh đã hoà quện vào “hơi” nhạc.
Như đã đề cập, tất cả những phương tiện biểu hiện của âm nhạc như thang âm, điệu thức, hoà âm phối khí, nhịp điệu tiết tấu, cho đến các thủ pháp kỹ thuật cụ thể mà mỗi tác giả sử dụng, tựu trung vẫn chỉ là cái khung, chỉ là cái sườn cho một định hướng chung nhất, bao quát nhất. Còn lại phần “da”, phần “thịt”, phần “hồn”, của tác phẩm ấy lại là công việc của người nghệ sỹ biểu diễn vốn là nhịp cầu nối giữa tác giả – tác phẩm với công chúng thưởng thức. Tuy tính xác định, tính khoa học của hệ thống các ký hiệu âm nhạc phương Tây đã đạt trình độ cao, song dẫu sao nó cũng chỉ mang tính ước lệ nhất định. Ở đây không chỉ có mối đồng cảm mang tính lý trí giữa người nghệ sỹ biểu diễn với tác giả tác phẩm mà còn là sự thẩm thấu, sự dung nạp lẫn nhau giữa các chủ thể thẩm mỹ.
Người ta vẫn có thể nhận thấy, đằng sau những tính toán đạt đến độ chính xác, chuẩn mực ở mức tuyệt đối của lý trí và khoa học trong kỹ thuật sáng tác của truyền thống âm nhạc cổ điển phương Tây như: hoà âm, phối khí, khai thác và phát huy tính năng và âm sắc, âm vực của nhạc cụ,… thì vẫn hiện diện đâu đó cái làn sương mờ ảo làm nên từng phong cách, làm nên từng bản sắc của một vùng miền cụ thể, của một dân tộc cụ thể, của một quốc gia cụ thể và đó chính là âm điệu (intonation), mà ở đó, sự toàn vẹn của đường nét âm hưởng là sự cộng hưởng của rất nhiều thành tố âm nhạc hợp thành: cao độ, tiết tấu, phong cách âm nhạc, chất liệu âm nhạc, tư duy thẩm mỹ xuyên suốt tác phẩm.