Skip to content
- Nghệ sĩ guitar Phạm Ngữ, là người Hải Phòng – Đất cảng là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau do các thủy thủ mọi nơi mang đến, thời kỳ đó không có các trung tâm, trường lớp âm nhạc như bây giờ, nhờ có năng khiếu âm nhạc và biết một số ngoại ngữ, là cơ hội tốt để tiếp cận được với các tri thức âm nhạc của Châu Âu. Việc gặp và học thầy dạy guitar người Pháp đã tạo một bước ngoặt quan trọng cho cuộc đời của ông. Năm 1939, ông cùng các nhạc sĩ: Đỗ Nhuận, Lưu hữu Phước, Văn Cao, Canh Thân và Tô Vũ thành lập nhóm Đồng Vọng. Năm 1956, Ông về Hà Nội nhận trọng trách Trưởng bộ môn guitar Trường Âm nhạc Việt. Trong quá trình nghiên cứu và tập luyện, ông đã học xong 2 cuốn sách rất phổ biến đương thời và được các nghệ sỹ guitar Việt Nam coi như thước đo trình độ là Phương pháp học guitar của F. Carrulli và M. Carcassi. Ngoài ra, ông còn tự học accordeon, banjo, piano, hay theo học sáng tác ca khúc với thầy guitar người Pháp. Cuốn sách “Tự học ghi ta” của Phạm Ngữ là một trong những tư liệu quan trọng, đóng góp về phương pháp tập luyện cho các thế hệ guitar kế cận.
- Nghệ sỹ Nguyễn Thiện Tơ, bộc lộ thiên hướng âm nhạc từ nhỏ. Trong khi các bạn ham chơi đánh bi, đánh đáo thì bản thân ông lại thích đến những nơi có tiếng đàn, tiếng hát. Theo học guitar Hawai với thầy giáo Trần Đình Khuê, tiến bộ rất nhanh nên chỉ sau ba tháng, ông đã được biểu diễn cùng thầy trên đài phát thanh Pháp. Sau đó, nghệ sỹ Nguyễn Thiện Tơ theo học guitar với một người Pháp và bắt đầu biểu diễn ở các phòng trà. Hoạt động âm nhạc của ông khá đa dạng, gồm sáng tác ca khúc với một số tác phẩm nổi tiếng như: Giáo đường im bóng, Nhắn gió chiều, ông tham gia độc tấu, hòa tấu, chơi nhạc jazz, đệm hát cho ca sỹ, thu âm.
- Nghệ sỹ Tạ Tấn, tên thật là Tạ Duy Thái, quê ở La Phù, Hoài Đức (Hà Tây cũ), nay là Hà Nội, thuộc thế hệ những người đầu tiên góp phần thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và là người có công mở lớp guitar chuyên nghiệp đầu tiên ở nước ta (1956-1965). Trong quá trình nghiên cứu, tập luyện, ông theo học thầy chuyên nghiệp người Philippines và hoàn thành các bài tập trong hai cuốn sách quan trọng của thời kỳ này là phương pháp tự học của F.Carulli và M.Carcassi. Bên cạnh hoạt động biểu diễn, giảng dạy, ông còn biên soạn sách tự học guitar và chuyển soạn thành công nhiều bản dân ca cho guitar.
- Nghệ sỹ Nguyễn Hải Thoại sinh tại Nam Định. Ông là người viết giáo trình dạy guitar và đề xuất thay dây sắt của đàn guitar trước đây bằng dây nilon, dạy đàn theo phương pháp cổ điển, từ kỹ thuật cầm đàn tới kỹ thuật diễn tấu, đặc biệt là nghệ thuật ép ngón (Apoyando). Các tác phẩm được chuyển soạn của nghệ sỹ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kho tàng tác phẩm guitar Việt Nam: Bài ca hy vọng ( Văn Ký), Quê em miền Trung du (Nguyễn Đức Toàn), Lới Lơ (Chèo cổ)…
- Nghệ sỹ Phạm Văn Phúc sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Năm 14 tuổi, ông theo học guitar với người thầy đầu tiên là nghệ sỹ guitar Tạ Tấn. Sau này, ông tham gia nhóm nhạc “Thất cầm”, đây là nhóm nhạc nổi tiếng, đóng góp một phần quan trọng trong phong trào tập luyện guitar cổ điển tại Hà Nội cho đến nay. Thành viên gồm: nghệ sỹ Hải Thoại, Vũ Bảo Lâm, Đặng Quang Khôi, Đỗ Trường Giang, Quang Tôn, Nguyễn Tỵ, Phạm Văn Phúc. Trong cuộc đời gắn liền với âm nhạc của mình, nghệ sỹ Phạm Văn Phúc đã từng giảng dạy ở trường Cao đẳng sư phạm Nhạc họa Thể dục Trung ương, sau đó tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc QGVN). Bên cạnh lĩnh vực đào tạo, ông còn chuyển soạn rất nhiều các tác phẩm cho guitar, kết hợp nhuần nhuyễn âm hưởng dân tộc với các kỹ thuật trình tấu phương Tây, các tác phẩm được nhiều người biết đến như: Người ơi người ở đừng về – dân ca Quan Họ, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó – Nguyễn Tài Tuệ.
- Nghệ sỹ Đặng Ngọc, Diễn Châu, tỉnh Nghệ An (Việt Nam). Tốt nghiệp đại học (1986-1991); thạc sỹ (1991-1993) tại Đại học Hanns Eisler Berlin. Đặng Ngọc Long đã biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới (Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Tiệp Khắc, Hungary…). Năm 1987, ông đoạt giải đặc biệt trong một kỳ thi Guitar quốc tế tại Hungary. Sau này, chính ông từng làm Chủ tịch giám khảo, Chủ tịch hội đồng nghệ thuật cho nhiều cuộc thi quốc tế. Năm 1994, một cuộc thi guitar đã được mang tên ông (Long-Wettbewerb für Gitarrensolo) tại Đức do trường âm nhạc Bernau tổ chức. Từ năm 2004 đến nay ông làm hiệu trưởng Trường Âm nhạc Berlin-Gesundbrunnen, đồng thời là giảng viên dạy guitar.