Sơ lược quá trình phát triển đàn guitar ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến nay

Có những ý kiến khác nhau về sự xuất hiện của cây đàn guitar tại Việt Nam. Có ý kiến cho rằng từ thế kỷ XIX, cây đàn này đến Việt Nam chủ yếu qua con đường truyền giáo của các cha cố người Pháp sang truyền đạo và các thương gia, các thuỷ thủ nước ngoài sang buôn bán ở nước ta. Mặt khác, sau chiến tranh thế giời lần thứ nhất, thực dân Pháp cai trị đất nước ta, chúng đầu tư khai thác thuộc địa sau chiến tranh, hệ thống đô thị được hình thành và phát triển với nền văn hóa giáo dục Pháp. Do đó, những trào lưu tư tưởng mới, những thành tựu khoa học kỹ thuật và các loại hình văn hóa, nghệ thuật Phương Tây được du nhập và như vậy cây đàn guitar đã xuất hiện ở Việt Nam vào giai đoạn này.

2.1.	Sơ lược quá trình phát triển đàn guitar ở Việt Nam

Vào những năm 30, đầu thế kỷ XX, với phong trào hát “lời ta điệu tây” đã làm tăng thêm số người thể hiện guitar theo lối nhạc mới. Các nhóm nhạc được hình thành, mỗi nhóm gồm có các nhạc cụ như: guitar Hawai, guitar Espagnole, Contrebasse…  thời kỳ này đàn guitar Hawai được sử dụng phổ biến, còn guitar Espagnole thường dùng để đệm hát, ít người độc tấu vì trình độ còn nhiều hạn chế và do tài liệu có rất ít. Các nhóm nhạc chủ yếu diễn trong các phòng trà, ví dụ như nhóm nhạc của: Doãn  Mẫn, Thiện Tơ, Dương Thiệu Tước. Đến những năm 45, các nhạc sỹ như: Đỗ Chí Khang, Dương Thiệu Tước, Đỗ Đình Phương, Phạm Ngữ, Tạ Tấn mới đi sâu vào nghệ thuật độc tấu đàn guitar Espagnole và đó cũng là những người thầy đầu tiên đóng góp rất nhiều công lao cho việc phát triển nghệ thuật guitar cổ điển ở Việt Nam. Sau này, đàn guitar còn được các nghệ sỹ tài tử Nam bộ cải tiến khoét lõm các phím đàn, làm thay đổi âm thanh của mỗi dây đàn dựa trên hệ thống 5 âm để thể hiện các bản nhạc dân tộc như: Cải Lương, các điệu lý, điệu hò. Cây đàn được gọi là “guitar phím lõm” hay “Lục huyền cầm”

Nghệ thuật guitar ở Việt Nam tuy còn rất non trẻ, nhưng ở thời kỳ tiền khởi nghĩa và cách mạng Tháng Tám 1945, đã phát huy tác dụng và có sức cổ vũ động viên tinh thần cách mạng của toàn dân, với hình thức đệm đàn hát tập thể, mang tính không chuyên.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đàn guitar ta đã cùng các nghệ sỹ ra mặt trận góp phần cổ vũ động viên tinh thần các chiến sỹ. Với sự ra đời của các đoàn văn công, các đơn vị văn nghệ xung kích dân chính hoặc quân đội, đội ngũ nghệ sỹ nói chung đã đông đảo hơn, trưởng thành hơn, có vai trò đóng góp tích cực, to lớn cho đời sống âm nhạc kháng chiến của dân tộc ta. Công tác đào tạo lúc này chưa có gì ngoài hình thức tự học, hoặc hướng dẫn theo lối truyền tay. Tuy vậy việc tuyển chọn các  mầm non năng khiếu âm nhạc được xem là bước chuẩn bị cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa-văn nghệ-âm nhạc-xã hội chủ nghĩa của Đảng ta theo phương châm: dân tộc-khoa học-đại chúng, như Đề cương Văn hóa 1943 đã đề ra.

Năm 1954 miền Bắc hoàn toàn giải phóng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc. Năm 1956 Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập với vị trí là một trung tâm đào tạo âm nhạc hàn lâm chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, công tác đào tạo nghệ thuật guitar đã có bước phát triển mới. Ngày ra đời của Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng được xem là ngày khai sinh của bộ môn guitar cổ điển Việt Nam với chủ nhiệm môn lúc đó là nhạc sỹ Phạm Ngữ. Chương trình giảng dạy được biên soạn hệ thống, đánh dấu một bước chuyển biến  quan trọng của cây đàn guitar, từ cây đàn nghiệp dư trở thành cây đàn chuyên nghiệp mang tính học thuật. Nhờ vậy mà phong trào guitar được phát triển ở nhiều nơi, xuất hiện nhiều lớp học guitar được tổ chức ở các cung văn hóa, các nhà nghệ thuật quần chúng. Các hội diễn chuyên nghiệp cũng đã có sự góp mặt của đàn guitar, lần đầu tiên nghệ sỹ guitar Tạ Tấn đạt huy chương vàng tại hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc với bài “Lới Lơ”. Bên cạnh đó cũng đã xuất hiện lớp nghệ sỹ guitar trẻ như: Hải Thoại, Nguyễn Quang Tôn, Phạm Văn Phúc, Vũ Bảo Lâm.

So với miền Bắc, nghệ thuật guitar cổ điển ở miền Nam phát triển sớm hơn, một số chương trình biểu diễn guitar cổ điển của các nghệ sỹ guitar như: Đỗ Đình Phương, Hoàng Bửu được phát sóng trên đài phát thanh từ những năm 1954.

Năm 1956, Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn đã đưa guitar vào chương trình giảng dạy. Với các nhạc sỹ như: Vũ Ngọc Khuê, Lê Xuân Cảnh, Lâm Cao Khoa. Từ chỗ chỉ diễn trong các phòng trà, nhiều nghệ sỹ say mê và chuyên sâu vào nghệ thuật guitar cổ điển. Năm 1962 một số nghệ sỹ guitar nước ngoài đã sang giao lưu và biểu diễn tại Việt Nam như: Siegfried Behrend, Juliam Bream.

Phong trào guitar ở Huế xuất hiện muộn hơn so với miền Nam và miền Bắc. Phải đến những năm 1960, người dân Huế mới được hiểu biết hơn về cây đàn guitar qua những chương trình guitar được phát sóng trên đài phát thanh, những chương trình biểu diễn của các nghệ sỹ đến từ hai miền Nam, Bắc, nhờ vậy phong trào học và biểu diễn guitar được mở rộng, các lớp học guitar được tổ chức tại nhiều trường trung học và đại học. Nhiều buổi biểu diễn guitar của các học sinh được tổ chức, những quy mô còn nhỏ.

Nói đến sự phát triển nghệ thuật guitar ở Huế, sự đóng góp của nhạc sỹ Trương Huệ Mẫn, giảng viên guitar tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ vào năm 1963, là một điển hình. Ông giúp học sinh tổ chức rất nhiều các buổi biểu diễn guitar, nhằm thúc đẩy các em học tập tốt hơn, đồng thời phát hiện những tài năng. Năm 1974 lớp học sinh guitar đầu tiên đã tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, đó là các nghệ sỹ guitar Lê Quang Hùng, Dương Vĩnh Thâm, Trần Văn Phú. Từ đây, tính chuyên nghiệp trong nghệ thuật guitar cổ điển ở Huế được nâng cao một bước.

Năm 1975, Đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước tăng cường đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, chú trọng tới việc xây dựng đội ngũ âm nhạc chuyên nghiệp cho các trung tâm đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trong nước. Đào tạo những giáo viên giảng dạy guitar, những chuyên gia có trình độ nghiệp vụ và kiến thức âm nhạc vững vàng hoạt động trên các lĩnh vực biên tập, nghiên cứu, đạo diễn tại các cơ quan phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, các tạp chí, các nhà xuất bản âm nhạc. Một số sinh  viên guitar đã được cử đi học nước ngoài như: Đặng Ngọc Long (học ở Đức năm  1985), Nguyễn Văn Dỵ (học ở Tiệp năm 1986), Phan Đình Tân (học tại Liên Xô năm 1986-2001).

Bộ môn guitar tại Nhạc viện Hà Nội lúc đó chỉ có bốn giảng viên và 50 học sinh gồm cả sơ cấp và trung cấp. Các giảng viên đã nỗ lực hết sức mình, giúp cho nghệ  thuật guitar ngày càng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Các Câu lạc bộ guitar được thành lập và thường xuyên sinh hoạt tại Hà Nội. Các cuộc thi guitar, Festival guitar được tổ chức hang năm đã khuyến khích và phát hiện được nhiều tài năng guitar trẻ.

Năm 1985 Nhạc viện Hà Nội chính thức mở khóa đại học đầu tiên cho bộ môn guitar. Đến nay vào mỗi kỳ thi tuyển sinh, số lượng thí sinh thi vào chuyên ngành  guitar ngày càng tăng. Có rất nhiều các nghệ sỹ guitar nước ngoài đến biểu diễn và  giao lưu và giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội như: Đức (Roger Jimermahn), Pháp (Michel Griza), Tây Ban Nha (Henriquez), Australia, Italia. Nhờ có nền nghệ thuật guitar Việt Nam đã cập nhật được rất nhiều thông tin về các hoạt động guitar Việt Nam đã cập nhật được rất nhiều thông tin về các hoạt động guitar trên thế giới, học hỏi và giải quyết được rất nhiều những vướng mắc về phương pháp, quan điểm, giáo trình, tư liệu.

Do vậy, nền nghệ thuật guitar Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng cũng gặt hái được những thành quả đáng kể: Đặng Ngọc Long (đạt giải thưởng Đặc biệt trong cuộc thi quốc tế H. Villa Lobos gồm 30 nước tham dự năm 1987) Nguyễn Trí Toàn ( giải nhất ở Đức năm 1997) Nguyễn Trí Đoàn (xếp thứ 8 vòng II cuộc thi Printemps de la guitar vương quốc Bỉ năm 1998) Nguyễn Phương Thảo (xếp thứ 8 vòng II cuộc thi concours tại Bỉ năm 2000), ngoài ra, đã đào tạo được rất nhiều những giảng viên giảng dạy trong các trường chuyên nghiệp, nhiều nghệ sỹ biểu diễn và nhạc công trong các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp Trung ương và địa phương trên cả nước, các đoàn văn công, quân khu, binh chủng, các đài phát thanh-truyền hình, các trung tâm nghiên cứu âm nhạc, các nhà xuất bản tập san, báo chí. Phải nói rằng, cây đàn guitar du nhập vào Việt Nam, qua nhiều bước thăng trầm, khó khăn, nhưng dần dần nền nghệ thuật guitar chuyên nghiệp đã từng bước trưởng thành, phát triển không ngừng và có một vị trí vững chắc trong đời sống âm nhạc Việt Nam.

đàn guitar

Contact Me on Zalo