Những làn điệu dân ca chuyển soạn, sáng tác cho guitar

Không giống như các ca khúc, nhạc sĩ sáng tác có ghi tên họ rõ ràng, âm nhạc truyền thống Việt Nam có từ lâu đời, được truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cuốn Thang âm điệu thức trong âm nhạc truyền thống một số dân tộc miền Nam, 1993, Viện văn hóa nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định: “Ở Việt Nam, tuy truyền thống âm nhạc dân tộc rất phong phú, đã hình thanh từ rất lâu đời, nhưng vấn đề nghiên cứu, lý luận học thuật hầu như chỉ mới được quan tâm từ mấy chục năm nay. Truyền thống âm nhạc của các dân tộc tồn tại đến ngày nay, cơ bản là dựa vào phương pháp truyền ngón, truyền khẩu từ thế hệ này đến thế hệ khác, phải nhận rằng nó đã bị thất thoát, mai một đi một phần đáng kể. Những gì còn lại đến ngày nay là những tinh hoa, là nguồn vốn bất tử của cả dân tộc, vẫn phải được bào tồn vĩnh cửu, để từ đó phát triển không ngừng…”.

Đề cập đến những tác phẩm guitar Việt Nam, chúng ta phải ghi nhận công lao của những nghệ sĩ guitar thế hệ trước, điển hình như: nghệ sĩ guitar Phạm Ngữ, Tạ Tấn, Hải Thoại… Trong thời kỳ bộ môn guitar Nhạc viện Hà Nội mới được thành lập, chương trình, giáo trình dạy chưa có, các nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến, sáng tác, chuyển soạn nên nhiều tác phẩm guitar từ các ca khúc hay làn điệu dân ca Việt Nam. Cuốn sách, Tạ Tấn dân ca soạn cho guitar, NXB Thanh niên, tác giả đã viết: “Để giúp các bạn chơi guitar và yêu thích những bản dân ca Việt Nam. Tôi cố gắng soạn và biến tấu phát triển các bản dân ca của các dân tộc anh em như: Thái, Tày, Nùng, Mèo, H’Mông, Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, dân ca Nam bộ, dân ca Liên khu 5, Chèo cổ…” (tr.5, 1.)

Để thể hiện thành công tác phẩm guitar Việt Nam, đối với các tác phẩm được chuyển soạn từ ca khúc, chúng ta không chỉ phân tích giai điệu, lời ca, mà phải tìm  hiểu thời điểm sáng tác, thậm chí là hoàn cảnh lịch sử xã hội khi ca khúc ra đời. Nhưng đối với những tác phẩm guitar chuyển soạn, sáng tác từ làn điệu dân ca thì việc phân tích, tìm hiểu có sự khác biệt. Các làn điệu dân ca Việt Nam không có tên tác giả, không rõ về thời gian ra đời, khi thể hiện, ở một số làn điệu có thay đổi tùy thuộc vào sự sáng tạo của người nhạc công. Do đó, để diễn tấu thành công một tác phẩm guitar chuyển soạn, sáng tác từ các làn điệu dân ca Việt Nam, người nghệ sĩ cần tìm hiểu làn điệu gốc.

Khi nghe làn điệu gốc, chúng ta sẽ cảm nhận được “cái hồn” âm nhạc của làn điệu, những nét “nhấn nhá”, luyến láy của “ngón” đàn, hay giọng hát,  ở mỗi làn điệu  là không giống nhau, tạo nên nét riêng biệt.

Học đàn guitar

Contact Me on Zalo