Giới thiệu danh thủ Guitar Đỗ Đình Phương

Nhạc khúc này, qua diễn tả của Đỗ đình Phương đã làm sinh viên học sinh hồi đầu thập niên 1970 say mê, và khơi động dòng nhạc Guitar Cổ điển đã quyến rũ giới yêu nhạc người Việt từ lâu.

Đỗ Đình Phương sinh trưởng trong môi trường gia đình mà thân phụ là một nhạc trưởng. Năm 14 tuổi, với chiếc guitar cũ, Phương mò mẫm tự học đàn qua những đĩa nhạc. Ngoài ra, Phương còn xin người anh đặt mua sách từ Tây-ban-Nha, xuất xứ của môn đàn này, để tập luyện nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày.

nghệ sĩ guitar đỗ đình phương

Trong câu chuyện với Thy Nga, nhạc sĩ Đỗ đình Phương kể: “Thời kỳ đó, rất hiếm mà có một bản nhạc viết cho độc tấu Guitar. Bọn tôi phải chép tay chứ ngày xưa đâu đã có máy để chụp? thành ra khổ lắm, chép tay nhiều khi mất mấy tiếng đồng hồ mới được một bài. Phải đam mê lắm thì mới học được.”

Năm 1957, Đỗ đình Phương theo học trường Quốc gia Âm nhạc Sàigòn. Chương trình 4 năm nhưng chỉ sau 3 năm, anh đã tốt nghiệp Thủ khoa về Guitar Cổ điển, là người đầu tiên ra trường về môn này tại trường nhạc Sàigòn.

Được mời đi dạy ở Huế, khi ấy mới 20 tuổi, Đỗ đình Phương là giáo sư nhạc trẻ nhất trường Âm nhạc và Mỹ thuật Huế.

Trong khung cảnh mưa dầm ở Huế, anh đem nhạc bản “Tuổi đá buồn” của Trịnh Công Sơn ra soạn cho Guitar, không dè tạo cảm hứng cho nhiều người, nhất là thế hệ trẻ thời ấy, yêu mến cây đàn giây hơn nữa.

Khúc nhạc “Tuổi đá buồn” do Đỗ đình Phương đàn, đã được chọn làm nhạc hiệu cho chương trình “Mẹ ViệtNam” trên làn sóng phát thanh khắp miền Nam thời chiến tranh.

Sau hai năm ở đất Thần Kinh, Đỗ đình Phương về dạy tại trường Quốc gia Âm nhạc Sàigòn. Ngoài ra, ông mở những lớp Guitar tại nhà, và dạy tại trường tư thục âm nhạc Bach. Nhạc sĩ Ðỗ đình Phương cũng tham gia nhiều chương trình ca nhạc của đài phát thanh và đài truyền hình Sàigòn, đài Pháp Á, Hội Việt Mỹ, các trung tâm Văn hóa Pháp, Văn hóa Đức, dàn nhạc thính phòng của Vũ Thành.

nghệ sĩ guitar đỗ đình phương

Danh tiếng đã khiến vào năm 1966, Đỗ đình Phương được mời sang Philippin, ông thuật lại

“Đó là một chương trình của chính phủ, như để trao đổi văn hóa. Mình tôi thôi, đi qua bên đó trình diễn ở các trường đại học, các discotheque, … trên nhiều đảo trong ba tháng.”

Nhạc sĩ Đỗ đình Phương cho hay tiếp là ông đã trình diễn rất nhiều nhạc bản tại thủ đô Manila và sau đó, qua các tỉnh Zamboanga, Bacolod trước khi xuất hiện trên các show truyền hình. Được báo chí Philippin gọi là “Đệ nhất cầm thủ Guitar của Á châu”.

Audio : ” Bolero Flamenco “ (Juan Serrano) …

Biến cố tháng Tư 1975 xảy tới, Đỗ đình Phương qua Mỹ tỵ nạn, nơi trú ngụ đầu tiên là ở thủ đôWashington. Nơi đây, vào năm 76, Đỗ đình Phương được mời độc tấu tại Kennedy Center trong buổi trình diễn cho khoảng 600 sinh viên Nhật nghe.

Audio : “ Fantasia Original ” (Jose Vinas) …

Hồi ấy, có đồn đãi là 2 tài danh Việt, nhạc sĩ Đỗ đình Phương và nghệ nhân Trịnh Bách, bảo hiểm bàn tay với giá một triệu mỹ kim! mà khi đó, mức lương tối thiểu ở Mỹ là hai đô mấy. Chuyện này thực hư ra sao? ông trả lời câu hỏi của Thy Nga như sau:

“Họ đồn thế thôi. Tôi cũng chỉ nghe, và tôi cũng đâu có được gặp Trịnh Bách. Thì nghe nói là anh đó bảo hiểm chứ còn tôi thì đâu có gì, tiền đâu mà bảo hiểm? nghệ sĩ nghèo mà.”

Sau đó thì Ðỗ Ðình Phương dọn đến Kansas City, dạy Guitar Cổ điển tại trường đại học ở thành phố này, và tham gia dàn nhạc giây của trường. Ông cũng có dịp trình diễn độc tấu tại trường Âm nhạc Kansas.

Vì không chịu được lạnh, cuối năm 1978, ông cùng gia đình dọn sang Nam California. Nơi đây, số giờ được các trường đại học xếp cho dạy quá ít, không đủ sống, ông đành tìm việc tại một hãng bảo hiểm của tiểu bang. Từ đó, nhạc sĩ Đỗ đình Phương không còn trình diễn nữa tuy là vẫn dạy Guitar Cổ điển tại tư gia.

Vấn đề một phần là đời sống ở đây hơi chật vật. Mà thời gian tôi không trình diễn, tôi vẫn dợt đàn,vẫn giữ cái kỹ thuật, và tôi vẫn dạy nhạc.”

 Audio : “ Ngăn Cách ” (Y Vân) …

Sau 28 năm lặng tiếng, tưởng đâu người nhạc sĩ này đã “gác đàn” thế nhưng vào cuối tháng 7 năm ngoái, đột nhiên có tin là Đỗ đình Phương “tái xuất giang hồ” với buổi trình tấu vào tối 29 tháng 7, 2006 tại Quận Cam, cũng là dịp ông trình làng cuốn CD đầu tiên. “Hạ trắng” (Trịnh Công Sơn) …

Nghe tin, ký giả Trần Củng Sơn từng là nhạc sinh của ông hồi ở Saigon, tìm đến hỏi thăm. Trong câu chuyện, nhạc sĩ Đỗ đình Phương thổ lộ là “ không được đàn, không được có thính giả như thời còn ở Sàigòn … nỗi buồn suốt mấy chục năm trời. Nhận thấy mình đàn không được hay bằng thời trẻ, buồn kinh khủng!”

Audio :  “ Nostalgic Choro ” (Agustin Barrios Mangore’) …

Nay nghỉ hưu, ông tính đến chuyện ra trình diễn.

“Khoảng hai năm nay, tôi rảnh hơn. Mà khi xuất hiện thì tôi coi vấn đề trình diễn rất là quan trọng. Tôi dợt rất kỹ, có khi 8 hay 9 giờ / một ngày. Dợt rất nhiều để trở lại với khán thính giả bởi vì một số đông học trò cũng muốn tôi trở lại, và anh em quen biết hồi xưa, các giáo sư hồi xưa tại trường Âm nhạc cũng khuyến khích, họ bảo là nên trở lại và ra CD.

Thì đấy, tôi cũng cố gắng. Và như là cái máu âm nhạc trong người vẫn không thể bỏ được, thành ra vẫn đánh. Đàn thì gợi hứng lên, khán giả rất nhiệt tình, họ hưởng ứng rất nhiều.”

Tình cảm nồng ấm và sự ủng hộ ấy đã khích lệ Đỗ đình Phương rất nhiều để ông tổ chức liên tiếp sau đó, các buổi trình tấu vào tối 28 tháng 10, 2006 tại Dallas; 17 tháng 6 năm nay tại Quận Cam, và chiều mùng 8 vừa qua là tại San Jose.

Tháng 7 này, xem chừng như người nhạc sĩ ấy hoạt động mạnh. Trong dịp lên Bắc Cali trình tấu, Đỗ đình Phương cũng ra mắt cuốn CD thứ 2; và chiều 19 tháng 8 tới đây, ông sẽ tái ngộ đồng hương tại vùng Washington.

Kế tiếp là các nơi nào khác, ông sẽ đến trình diễn? Nhạc sĩ Đỗ đình Phương nói

“Có thể là ở mấy nơi nào có cộng đồng Việt Nam. Tôi đang liên lạc để có những người biết tổ chức và thích nhạc Guitar Cổ điển thì tôi sẽ đi. Tôi chỉ muốn phổ biến cái âm nhạc, và phổ biến giá trị cây đàn Guitar: một cây đàn nhỏ, mà như cái ban nhạc nhỏ, rất tiện, đem đi đâu cũng được, không cần sự đệm của nhạc cụ nào khác, tức là có thể đàn được 3 hay 4 bè / một lúc.

Tôi muốn phổ biến vừa nhạc Cổ điển, vừa nhạc trữ tình của Việt Nam, và nhạc Flamenco cho nhiều người có ý thích khác nhau. Sau một thời gian trình diễn, cũng có nhiều khích lệ, tôi đã khuấy động lên như là một cái phong trào, tức là như ý muốn của tôi một phần, tôi hy vọng là các bạn trẻ tiếp tục thích tây-ban-cầm, và trở lại thành một phong trào sôi động hơn.”

Audio :  “ Kiếp Nào Có Yêu Nhau ” (Phạm Duy)